báo lá cải online -
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Nguồn gốc nghệ thuật cải lương

Go down

Nguồn gốc nghệ thuật cải lương Empty Nguồn gốc nghệ thuật cải lương

Bài gửi by khanhpt Wed Dec 09, 2009 8:56 pm

Lời giới thiệu

Ngày nay chúng ta ai ai cũng ghiền nghe và coi hát cải lương, vì cải lương, sau trên 80 năm xuất hiện, hình thành và phát triển ở miền Nam trước và trên toàn lãnh thổ sau đó, phản ảnh đời sống hàng ngày của chúng ta, nói lên những gì mà chúng ta không thể nói được .
Hát cải lương đầu tiên được xuất hiện dưới hình thức ca tài tử tại tư gia khoảng năm 1915. Các tài tử còn ca các bài cũ kiểu "độc thoại " và chưa có ra bộ tịch gì hết. Lúc đó đã có thấy xuất bản một quyển "Bản đờn tranh và bài ca" do Phụng Hoàng Sang soạn, và Ðinh Thái Sơn xuất bản, Saigon, in lần thứ ba, năm 1907. Như thế có đoán là lần in thứ nhất có thể vào khoảng 1900. Qua quyển này chúng ta được biết vào thời đó, giới cầm ca hát đờn những bài sau đây : "Lưu Thủy Trường", "Phú Lục", "Bình Bán chấn", "Xuân Tình", "Bình Bán Vắn", " Bát Man Tấn Cống", "Tứ Ðại", Phụng Hoàng", "Nam Xuân", "Nam Ai", "Tứ Ðại Cảnh". Có người cho rằng ông thầy Ký Trần Quang Quờn đã sáng tác bài "Tứ Ðại Oán" và "Văn Thiên Tường". Ðiều chắc chắn là ông Trần Quang Quờn đã sáng chế nhiều cây đờn như cây đại ba tiêu, tiểu ba tiêu, cây song thương mà ngày nay không thấy được phổ biến.
Có thể nói đây là giai đoạn tượng hình thai nghén của hát cải lương.
Nguồn gốc nghệ thuật cải lương 91291260369767

Bắt đầu năm 1916, loại ca đối thoại xuất hiện, nhiều người hát chung, và gọi đó là "Ca ra bộ". Bài hát điển hình nhất là bài "Tứ đại oán " (Bùi Kiện thi rớt ) phát khởi từ Vũng Liêm (Vĩnh Long) tại nhà thầy Phó Mười Hai. Tại Vĩnh Long, chúng ta có thể nghĩ là nơi phát xuất của hát "ca ra bộ", giai đoạn phôi thai của hát cải lương . Ngoài ông Phó Mười Hai, mỹ danh Tống Hữu Ðịnh, ông Trần Quang Quờn, ông Phạm Ðăng Ðàng là một danh cầm đất Vãng là những người đóng góp đắc lực cho sự hình thành của hát cải lương sau này.
Suy đi nghĩ lại , điểm mà ai cũng đồng ý là hát cải lương bắt nguồn từ hát bội. Lúc ban sơ, các tuồng hát đều dựa theo tuồng cổ của hát bội như "Trảm Trịnh Ân", "Ngưu Cao tảo mộ", "Thoại Khanh Châu Tuấn". Ở hát bội, câu ca không cần bị gò bó theo nhạc đàn, tuy rằng căn bản phải gìn giữ đúng với âm điệu, do đó diễn viên được tự do sáng tạo, được phát huy sở trường, câu hát cao hay thấp, mau hay chậm, ngân nga hay kéo dài không bị giới hạn, chỉ cần phải hòa với nhạc đàn ở những nhịp chính là được.
Trong Cải lương, câu ca phải đúng với điệu đàn, phải hợp với giai điệu và tiết tấu. Ðể tránh những cử chỉ tượng trưng quá nhiều và hát hay thét lớn cùng những tuồng tích xưa, hát cải lương với những bài ca mùi mẫn, với những tranh dàn cảnh huy hoàng, với những tuồng gần với xã hội Việt Nam, với lời văn đơn giản của ngôn ngữ thường ngày, với những động tác tự nhiên đã đổi mới nghệ thuật diễn xuất, nhạc điệu.

Những điệu nhạc đầu tiên

Về âm nhạc thì bỏ những lối hát nam, hát khách, bỏ luôn lối xướng, bạch, hường, tán, chỉ giữ và phát triển thêm lối nói lối cho thật mùi hợp với tiếng đờn tài tử. Số vốn ca nhạc của sân khấu cải lương ngày từ buổi đầu cũng đã rất phong phú.
Nói về điệu lý có:
Lý Ngựa Ô, Lý Con Sáo, Lý Giao Duyên, Lý Ngựa Ô Nam, Lý Thập Tình, Lý Chuồn Chuồn.
Về ngâm thì có:
ngâm Sa Mạc, Bồng Mạc, Ngâm Sổng, hoặc lối ngâm mới trong cải lương áp dụng theo dây Oán.
Có ba bài Nam:
Nam Xuân, Nam Ai và Nam Ðảo.
Bốn bài oán chánh:
Tứ Ðại Oán, Phụng Hoàng, Giang Nam, Phụng Cầu
Bốn bài oán phụ:
Văn Thiên Tường, Bình Sa Lạc Nhạn, Bộc Thủy Ly Tao, và Thanh Dạ Ðề Quyên.
Ngoài ra những cảnh vui thì có 5 bản vui và ngắn như:
Bình Bán Vắn, Tây Thi Vắn, Khổng Minh Tọa Lầu, Mẫu Tầm Tử, Long Hổ Hội.
Sáu bài Bắc lớn:
Lưu Thủy Trường, Phú Lục, Bình Bán chấn, Xuân Tình, Tây Thi, Cổ Bản.
Bảy bài lớn dùng trong nhạc lễ như:
Xàng Xê, Ngũ Ðối Thượng, Ngũ Ðối Hạ, Long Ðăng, Long Ngâm, Vạn Giá, Tiểu Khúc.
Tám bài ngắn khác dùng trong nhiều trường hợp vui buồn khác nhau như:
Ái Tử Kê, Chiêu Quân, Trường Tương Tư, Ðường Thái Tôn, Bát Man Tấn Cống, Duyên Kỳ ngộ, Ngự Giá, Kim Tiền Bản.
Mười Liên Hoàn:
Phẩm Tuyết, Nguyên Tiêu, Hồ Quản g, Liên Hoàn, Bình Nguyên, Tây Mai, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ, Tẫu Mã.
Nguồn gốc nghệ thuật cải lương 92021260369764

Đặc điểm của cải lương

Hai tiếng " Cải Lương " có nghĩa là " Sửa đổi cho tốt hơn " . Từ xưa ở Việt Nam không có lối diễn tuồng nào khác hơn là hát chèo hay hát tuồng ở Bắc Phần và hát Bội ở Trung và Nam phần . Đến năm 1917 , khi cải lương ra đời , người ta nhận thấy điệu hát này có vẻ tân tiến hơn điệu hát bội , nên cho đó là một việc cải thiện điệu hát xưa cho tốt đẹp hơn . Vì lẽ ấy người mình dùng hai tiếng " Cải Lương " để đặt tên cho điệu hát mới mẻ này ( Tiếng Cải Lương gốc ở câu Cải Lương phong tục mà ra )
Cải Lương là một nghệ thuật tả chân. Từ cách đàn cảnh đến các điệu bộ, màu mè đều hướng về lối tả thực như ngoài đời. Những đặc điểm của Cải Lương gồm có :
(1) Sân khấu Cải Lương : ( dàn cảnh và y phục ). Dàn cảnh của cải lương có phân màn, phân hồi. Mỗi màn đều có tranh cảnh cho hợp cho đúng với kịch bản. Trang phục của các diễn viên cũng phải được quan sát kỹ càng các chi tiết của các vở tuồng sao cho thích hợp với hoàn cảnh thời gian và không gian.
(2) Điệu bộ: Điệu bộ của Cải Lương hay về lối tả chân. Phải ra điệu bộ thế nào cho giống ngoài đời. Đó chẳng phải là một việc dễ làm và đó là chổ biểu lộ cái biệt tài của một diễn viên có một nghệ thuật với một diễn viên tầm thường.
(3) Màu mè: Điệu bộ màu mè là hai yếu tố căn bản để thể hiện cái tài diễn xuất của nghệ sĩ . Những màu mè như : hỉ , nộ , aí , ố, ...cần phải có vẻ tự nhiên không nên gia bội . Một cái cười , cái nhìn , liếc , trừng , nhíu mày, rớm lệ , v.v... cũng có thể diễn tả tâm trạng bên trong của vai tuồng.

Nguồn gốc nghệ thuật cải lương 68411260369770

Các đoàn cải lương

Giai đoạn tiên khởi của cải lương bắt đầu bằng gánh hát của thầy André Thận vào năm 1917 . Ðến năm 1918, gánh André Thận rã , thầy Năm Tú ở Mỹ Tho mới gom góp các tài tử của André Thận lập nên gánh Thầy Năm Tú, sắm thêm y phục, tranh cảnh, và có Trương Duy Toản là thầy soạn tuồng đàng hoàng.
Lúc đầu là phụ diễn trước khi chiếu phim hát bóng. Các tài tử đều ngồi trên bộ ván gõ , và mặc quốc phục chỉnh tề, vừa ca vừa ra bộ. Thầy Năm Tú có công trong việc đưa nhạc cải lương đến với mọi tầng lớp người Việt trên toàn cõi xứ Việt Nam qua các dĩa hát 78 vòng mà những người từ bát tuần trở lên đều nhớ mỗi khi nghe dĩa hát bát đầu bằng câu "Ðây là bạn hát cải lương của Thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, hát cho dĩa Pathé Phono nghe chơi "
Từ đó trở đi, các gánh đua nhau mọc lên như nấm. Nào gánh Tập Ích Ban, gánh Tân Thinh Ban, gánh Văn Hý Ban, gánh Võ Hý Ban, gánh Phước Cương , gánh Trần Ðắc, gánh Huỳnh Kỳ , gánh Phụng Hảo, vv&vv, đã tạo cho sân khấu cải lương một nền móng vững chắc .
Những tài tử cải lương gạo cội tiền bối người còn người mất (hiện nay chỉ còn có bà Phùng Há, bà Bảy Nam ở Saigon) như các bà Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Hai Nhỏ, Ba Út, Năm Sa Ðéc, Thanh Tùng, Kim Thoa, và các nam nghệ sĩ như Từ Anh, Năm Châu, Bảy Nhiêu, Năm Nghĩa, Tám Danh, Ba Du, vv&. đã đưa nghệ thuật diễn xuất cải lương từ chỗ sơ khai đến chỗ toàn hảo .
Từ năm 1938 đến năm 1945, nhóm Kim Thoa của Tư Chơi và gánh Kim Chung tìm cách pha nhạc Tây vào câu ca bài bản cổ Việt .
Ðến giai đoạn hồi cư (1946-47), hát cải lương xuất hiện trở lại và chỉ đem tuồng cũ ra diễn lại mà thôi .
Từ năm 1950 trở về sau, cải lương lại pha thêm đấu kiếm, đánh võ , đánh chưởng, vừa ca vừa hát giọng Tàu (Hồ Quãng), giọng Âu Mỹ, rồi lại sinh ra loại tân cổ giao duyên .
Tuồng tích cải lương được phân chia ra nhiều loại : tuồng tàu, tuồng dã sử, tuồng chiến (gánh hát của Bảy Cao), tuồng La Mã, Phù tang, tuồng xã hội, tuồng chưởng, tuồng hồ quãng, vv&vv
Giai đoạn 50-60, những nghệ sĩ hữu hạng và thượng thặng mà đa số chúng ta đều biết tiếng như là Út Trà Ôn (từ trần năm 2001), Thành Ðược (hiện sống ở San Jose, Hoa Kỳ), Thanh Tú (hiện ở Saigon, Việt Nam, Hùng Cường (từ trần ở California, Hoa Kỳ), Dũng Thanh Lâm (hiện sống ở California, Hoa Kỳ), vv& về phía nam, và Út Bạch Lan (hiện sống ở Saigon), Thanh Nga (từ trần), Bạch Tuyết (hiện sống ở Saigon), Ngọc Giàu (Saigon), Thanh Thanh Hoa (Saigon), Ngọc Nuôi (Hoa Kỳ), Kim Chưởng (Saigon), vv& vv.
Một số hề nổi tiếng như Ba Vân (từ trần), Sáu Ðước (gánh Tân Ðồng Ban, từ trần), Tư Rọm (gánh Việt Hùng Minh Chí, từ trần), Hề Trường, Hề Tỵ (gánh Tân Hí, Mộng Vân , Phát Thanh), Lê Tám (gánh Hoa Sen), Hề Phúc Lai, Hề Tư Vững, Hề Giác, Hề Minh, Hề Hai Vinh ,vv&là những người đã đem sức đem hơi ra chọc được tiếng cười dòn tang của khán giả . Tất cả các danh hề kể trên đã sang bên kia thế giới .
Từ năm 1970 trở đi, các nghệ sĩ trẻ như Minh Phụng, Minh Cảnh, Tấn Tài, Chí Tâm (hiện sống ở Hoa Kỳ) , Vương Kiệt , Lệ Thủy, Hương Lan (sống ở Hoa kỳ), Phượng Liên (hiện sống ở Hoa kỳ) vv& nối tiếp con đường đã vạch sẵn của các bậc tiền bối .
Tại miền Nam trước 1975 có trên 50 gánh hát lưu diễn quanh năm. Ngày nay số gánh hát vẫn tương đương và tiếp tục phát triển nghệ thuật cải lương ở Việt Nam, trong khi ở hải ngoại ngành cải lương không còn thu hút khán giả nữa, và các nghệ sĩ cải lương tỵ nạn đã phải tìm một nghề khác để mưu sinh.

Nguồn: vnthuquan.net
khanhpt
khanhpt
Admin

Tổng số bài gửi : 435
Reputation : 0
Join date : 30/09/2009
Age : 40
Đến từ : Phú Thọ

https://lacaionline.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết