báo lá cải online -
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

NSƯT Hồng Năm: Từ Chèo “leo” sang tân nhạc

Go down

	NSƯT Hồng Năm: Từ Chèo “leo” sang tân nhạc Empty NSƯT Hồng Năm: Từ Chèo “leo” sang tân nhạc

Bài gửi by khanhpt Tue Aug 02, 2011 7:56 pm

Nếu Thu Hiền đằm thắm với những làn điệu dân ca phát triển, Thanh Hoa ngọt ngào với những ca khúc mang âm hưởng dân ca thì Hồng Năm là nữ ca sỹ hát dân ca miền Trung “nguyên gốc” hay nhất. Chị từng được mệnh danh là “người mang dân ca Hà Tĩnh” ra Hà Nội.


Người đàn bà ấy mộc mạc từ cách nói chuyện đến giọng hát, đằm và ngọt, giản dị mà tinh tế. Trong câu chuyện với chúng tôi, Hồng Năm lúc thì rạng rỡ, xởi lởi, khi lại trầm lắng, hoài cổ bằng những câu chuyện thời thơ ấu xen kẽ những câu hát Ví dặm thẳm buồn. Chị luôn đăm đắm nhớ về một làng quê gian khó của miền Trung, nơi chị đã sinh ra và nâng cánh ước mơ cho chị bước vào đời. Chính những điều đó đã giúp chị có nhiều cảm xúc khi hát, và cũng chính điều ấy đã khiến chị hát bài Hà Tĩnh mình thương (An Thuyên) hay nhất và “đóng đinh” tên mình vào ca khúc ấy.

Tuổi thơ thích hát nhưng rất… nhát

Nghe nói hồi nhỏ chị rất mê hát nhưng lại nhút nhát, đến độ đoàn văn công về tuyển diễn viên, chị đã phải trốn lên quả đồi sau nhà?

Đúng rồi! Đó là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của thời thơ ấu gian khó. Ngày ấy tôi mê ca hát lắm, lúc nào cũng í a trong miệng những câu hát dân ca. Đặc biệt rất thích đi làm đồng gần các anh chị thanh niên nam nữ, họ vừa làm vừa hát đối nhau rất hay. Trong những giấc mơ thời thơ ấu của tôi, có rất nhiều hình ảnh Hồng Năm là một ca sỹ đứng trên sân khấu. Tuy nhiên khi có người của đoàn văn công tìm về tận nhà để tuyển thì Hồng Năm đã dặn mẹ rằng “khi nào ông ấy đi rồi, mẹ gọi con về nhé” trước khi chạy trốn lên quả đồi sau nhà (Cười). Hồi đó tôi nhát lắm.

Tuổi thơ vất vả đã để lại trong chị rất nhiều kỷ niệm, chị có thể chia sẻ với độc giả vài câu chuyện chị nhớ nhất và ấn tượng nhất?

Tôi sinh ra ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Hồi nhỏ nhà nghèo lắm, tôi nhớ khi ấy mình có mỗi một chiếc váy, cứ mỗi lần đi chăn vịt thì lại phải cởi váy ra, đến khi lùa vịt về đến đầu làng rồi mới dám mặc vào, chỉ vì sợ bẩn. Ngày đó văn công tỉnh về làng sơ tán. Nhà tôi cho mẹ con chị Lan Phương (biên đạo múa ty văn hóa Nghệ An) ở nhờ. Đứa bé rất dễ thương nên tôi rất quý. Ngày nào tôi cũng bế em đưa võng và… hát ru em ngủ. Cái thời “nhát như cáy” ấy thì lúc hát ru em ngủ chính là khi tôi tự tin nhất, và chính chị Lan Phương đã phát hiện ra giọng dân ca rất ngọt ngào của tôi, dù lúc ấy tôi mới 13 tuổi.
Vậy chị bắt đầu con đường ca hát từ khi nào?

Hai năm sau vụ “chạy trốn” lên đồi, tôi trúng tuyển vào đoàn chèo Nghệ An, nhưng vẫn không thích lắm nên vẫn ở nhà học. Một năm sau thì tôi mới vào Đoàn, khi ấy tôi đang học lớp 7.

Những năm ở đoàn chèo Nghệ An đối với chị như thế nào?

Những năm tháng ở đoàn chèo Nghệ An đối với tôi là nhiều kỷ niệm nhất. Hồi đó cả nước đang bước vào gian đoạn chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất. Năm 1972 giặc Mỹ quay trở ra đánh phá miền Bắc, do vậy chiến sự rất khốc liệt. Nhiều lần chúng tôi đang biểu diễn cho bộ đội xem thì máy bay ầm ầm bay qua, tất cả diễn viên thì xuống hầm trú ẩn, bộ đội vào vị trí chiến đấu, nhưng khi nó bay qua rồi thì tất cả lại trở về sân khấu và lại biểu diến tiếp. Ngày đó đi diễn rất vất vả nhưng vui lắm. Cả đoàn đi bằng xe đạp, thanh niên thì chở loa máy, nhạc cụ, đám cón gái thì đèo người. Mà toàn đi xe đạp không gác-đờ-bu, phanh thì bằng… chân, có lần xuống dốc không phanh nổi nên cả mấy xe ngã dúi dụi vào nhau, đau nhưng mà cười thoải mái. Tôi thấy thời đó vất vả nhưng mà trong sáng, vô tư… và đặc biệt là không bao giờ bon chen, ganh ghét nhau như thời bây giờ.

Hạnh phúc vì biết tôn trọng quá khứ

Từ một diễn viên Chèo, chị chuyển sang hát tân nhạc như thế nào?

Vào nghề được hai năm thì tỉnh có cơ chết tách Đoàn dân ca chèo Nghệ An thành hai đoàn mới: Chèo Nghệ An và Dân ca Hà Tĩnh. Tôi sang đoàn dân ca vì tôi thích hát, mà ở đoàn chèo thì toàn phải diễn kịch. Hồi đó chúng tôi được phân công đi vào các vùng quê Hà Tĩnh để sưu tầm các làn điệu dân ca Hà Tĩnh qua các nghệ nhân, do vậy mà đoàn dân ca Hà Tĩnh đã có một số vốn cổ rất quý báu từ những chuyến đi sưu tầm đó. Và đấy cũng là lần đầu tiên tôi đứng hát trên sân khấu với tư cách là ca sỹ chứ không phải diễn viên.

Chị là một phụ nữ đẹp và tài năng, vậy khi còn ở đoàn dân ca Hà Tĩnh, chắc có nhiều người theo đuổi?

Hồi ấy đang độ đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất thời con gái, và tôi cũng yêu. Mối tình đầu của tôi cũng chính là chồng tôi bây giờ. Vừa mới yêu nhau thì Nhạc viện Hà Nội về tuyển sinh và tôi trúng tuyển. Sau 4 năm học nhạc viện, tôi tốt nghiệp và trở lại đoàn dân ca Hà Tĩnh và lấy chồng. Tuy nhiên, trong thời gian học ở Hà Nội, tôi đã nhận ra rằng nếu muốn phát triển con đường nghệ thuật thì phải thoát ly nên hai vợ chồng bàn nhau nên chuyển ra Thủ đô. Sau đó, “ông xã” tôi ra trước, còn tôi thì ở lại bởi các anh lãnh đạo nói rằng “Hồng Năm” ở lại đi Hội diễn xong thì chuyển, nên tôi cũng đồng ý.

Năm đó chị hát bài gì và được giải như thế nào ạ?

Đó là Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985, tôi hát bài Sông ngàn sâu (An Thuyên) và đoạt Huy chương vàng. Sau đó thì tôi chuyển ra đoàn ca múa của Bộ nội vụ sau một thời gian ngắn gặp vài trục trặc. Dạo đó nhiều người nói tôi phải “chạy” khá nhiều tiền mới xin được vào đoàn, nhưng trên thực tế tôi cũng đã có chút tiếng tăm khi còn ở Nghệ An và các anh trên Hà Nội cũng đã biết, nên tôi xin vào đoàn Bộ nội vụ khá dễ dàng và… hoàn toàn bằng tài năng ca hát chứ không mất đồng nào cả.

Chị còn đoạt một vài giải thưởng âm nhạc sau đó, và cả danh hiệu nghệ sỹ ưu tú nữa?

Đúng! Sau khi ra Hà Nội, tôi chuyên hát dân ca Nghệ Tĩnh và được khán giả khắp nơi yêu mến. Năm 1989 tôi tham gia cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc và đoạt hai giải: Giải ba dòng nhạc dân gian và giải người hát dân ca Việt Nam hay nhất. Đến năm 1997 thì tôi được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú.

Đời sống tình cảm và nghiệp cầm ca của chị có vẻ khá thuận buồm xuôi gió mà rất ít biến cố, chị cũng là một trong số các nghệ sỹ có đời sống tình cảm hạnh phúc nhất. Vậy đâu là bí quyết?

Tôi chẳng có bí quyết gì cả đâu, điều quan trọng là tôi yêu chân thành và tôn trọng quá khứ. Vì sao? Vì khi ta ở đỉnh cao của nghệ thuật, được nhiều khán giả mến mộ, nhiều người đàn ông giàu có theo đuổi. Thế nhưng, nếu nhìn lại, thì sẽ thấy thành công hôm nay có công rất lớn của người đàn ông đã gắn bó với mình, anh ấy đã luôn ở bên cạnh, động viên và giúp đỡ để mình có thể phát triển sự nghiệp, vậy thì mình phải tôn trọng những điều đó. Vợ chồng phải biết chia xẻ với nhau cả lúc gian khó cũng như khi bình yên, có như vậy mới giữ được cuộc sống hạnh phúc.

Chị chỉ có một cô con gái, có khi nào chạnh lòng vì không có đứa con trai để sau này “chống gậy” không?

Hoàn toàn không, thậm chí tôi còn rất hãnh diện khi có một đứa con gái ngoan ngoãn và có hiếu với mẹ cha. Dù cháu cũng đi theo con đường nghệ thuật nhưng không giống như nhiều bạn trẻ hiện nay sống “gấp” và sống “thoáng”, con gái tôi đi làm là lấy chồng luôn. Vợ chồng cháu ở cùng chúng tôi và các cháu đều ngoan, biết quan tâm đến gia đình, tôi rất hài lòng về con gái và con rể, và gia đình tôi đang rất hạnh phúc.

Hát dân ca - như con tằm rút ruột nhả tơ

Hát dân ca, điều gì là quan trọng nhất, thưa chị?

Bất kỳ dòng nhạc nào thì khi hát, điều đầu tiên là phải hiểu nội dung bài hát ấy và tạo cảm xúc để truyền tải đến người nghe. Với riêng dân ca thì phải biết bài dân ca ấy là của vùng miền nào để phát âm cho chuẩn tiếng địa phương của vùng miền ấy. Ví dụ, không thể dùng phát âm của miền Nam để hát quan họ Bắc Ninh được và ngược lại. Thứ nữa, hát dân ca là phải thể hiện cái tinh tế, cái “tình” trong từ câu lý, điệu hò, với tôi, hát dân ca như con tằm rút ruột nhả tơ vậy.

Trong số những giọng ca trẻ hát dân ca hiện nay, chị thích ca sỹ nào nhất?

Nếu nói thích thì chưa có một giọng hát nào thực sự khiến tôi khâm phục khẩu phục. Tuy nhiên, một số giọng hát trưởng thành từ cuộc thi Sao Mai như Anh Thơ, Tân Nhàn, Thành Lê là những giọng dân ca ngọt ngào và khá ấn tượng. Tôi khuyên các em trẻ nên tìm tòi và tập những bài dân ca nguyên gốc, điều đó sẽ giúp các em rất nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm khi hát những bài mang âm hưởng dân ca.
Có nhiều ca sỹ trẻ có giọng dân ca khá hay nhưng họ không “bật” lên được trong các cuộc thi, đặc biệt là ra ngoài thị trường ca nhạc, rất ít người thành công. Theo chị nguyên nhân vì đâu?

Tôi nghĩ các em bây giờ có giọng hát hay và được học hành bài bản, nhưng nhiều em không “bật” lên được là vì không tạo được cái riêng của mình. Đơn cử như cuộc thi Sao Mai, có nhiều em giọng đẹp, hát “được” mà vẫn không đoạt giải, bởi những em đó hoặc là dập khuôn những ca sỹ đã thành danh, hoặc là không biết cách làm mới một ca khúc cũ, do vậy các em thất bại là điều dễ hiểu. Còn những em nào làm được điều đó thì sẽ thành công, ví dụ như Thành Lê đã làm trong cuộc thi Sao Mai vừa rồi.

Đã qua thời nhạc “thị trường” lấn lướt các dòng nhạc khác, dòng nhạc mang âm hưởng dân gian đang “vùng dậy” khá mạnh mẽ, chị nghĩ thế nào về điều này?

Tôi nghĩ đó là tất yếu khách quan cho bất kỳ một sự phát triển nào. Khi kinh tế mở cửa thì văn hóa của thế giới cũng tràn vào và khán giả trẻ họ đón nhận rất mạnh mẽ. Tuy nhiên càng ngày họ càng nhận thấy rằng đó chỉ là trào lưu, và cái văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam mới chính là cái của mình, nên họ quay lại và đón nhận nó nhưng ở một tầm cao hơn. Tôi thực sự hạnh phúc khi được là chính mình, hát những cái gì là của mình, đó chính là những giai điệu dân ca ngọt ngào. Và tôi hạnh phúc khi là một nghệ sỹ của dòng nhạc dân ca.

Theo Vnmedia
khanhpt
khanhpt
Admin

Tổng số bài gửi : 435
Reputation : 0
Join date : 30/09/2009
Age : 40
Đến từ : Phú Thọ

https://lacaionline.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết